Trận chung kết lượt đi khép lại trong sự tiếc nuối của ĐT Việt Nam và chút gì đó thở phào của các CĐV đội chủ nhà.
Tỷ số 2-2 khép lại trong sự tiếc nuối từ phía ĐT Việt Nam, không tiếc sao được khi chính chúng ta là đội vươn lên dẫn trước 2 bàn từ rất sớm cùng hàng tá cơ hội tạo ra. Nhưng chính sự chưa hoàn hảo đó sẽ khiến trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình 4 ngày tới thêm phần đáng chờ đợi hơn. Còn với Malaysia, họ phần nào đã bừng tỉnh sau cơn mưa lời khen từ truyền thông trong nước.
Công bằng mà nói “chú hổ” Malaysia thi đấu khá tốt dẫu cho nhận hai bàn thua từ sớm, không bấn loạn, nóng vội, họ bình tĩnh triển khai các pha lên bóng và tận dụng rất tốt các tình huống cố định. Tuy nhiên chỉ nhiêu đó thôi là chưa đủ để làm khó HLV Park Hang-seo. Ông thầy người Hàn Quốc vẫn rất tôn trọng và cẩn thận trước đối thủ khi bố trí cặp tiền vệ Huy Hùng – Đức Huy với ý đồ chủ động phòng ngự.
Sự hưng phấn của các cầu thủ Malaysia với sức nóng khủng khiếp từ các khán đài sân Bukit Jalil hoàn toàn có thể thiêu rụi tâm lý của các cầu thủ Việt Nam, khiến cầu thủ không còn là chính mình. Bằng chứng là chúng ta đã mắc không ít sai lầm khi đôi chân không còn nghe theo cái đầu, đó cũng là nguyên nhân ĐT Việt Nam từng thất thủ 0-2 trên sân Malaysia tại AFF Cup 2010.
Thế trận phòng thủ của ĐT Việt Nam càng làm cho Malaysia thêm tự mãn về bản thân. Hành trình tiến bộ không ngừng từ vòng bảng, cộng thêm việc biến Thái Lan trở thành cựu vương khiến cho ĐT Malaysia được báo chí trong nước dành cho không ít mỹ từ để mô tả về họ. “Barcelona của Đông Nam Á” là cụm từ được dùng nhiều nhất, và triết lý bóng đá của HLV Tang Chen Hoe được gọi là “Cheng Hoe-ball” (phỏng theo “Sarri-ball” của Maurizio Sarri).
Nếu như giới chuyên môn quốc tế đánh giá Việt Nam cao hơn tại trận chung kết, thì người Mã lại nghĩ thất bại từ vòng bảng ở Mỹ Đình chỉ là tai nạn, rằng họ đang là đội trình diễn lối chơi đẹp mắt, thuyết phục nhất từ đầu giải. Tuy nhiên để trở thành “Barcelona” thực sự thì Malaysia cần nhiều hơn khả năng giữ bóng.
Sở hữu thời lượng kiểm soát bóng nhiều hơn nhưng đa số các pha lên bóng của họ chủ yếu xuất phát từ hai cánh, đặc biệt là nơi Trọng Hoàng án ngữ. Và cả 2 bàn thắng của đội chủ nhà cũng đều đến từ tình huống cố định, sở hữu 60% thời lượng kiểm soát bóng nhưng đoàn quân của Tang Cheng Hoe chỉ tạo ra 8 pha bắn pha về phía khung thành, chỉ bằng 1 nửa đối thủ (15 lần dứt điểm).
Sự hiệu quả vẫn là điều HLV Tang Chen Hoe cần học hỏi thầy Park, có tới hơn 3 lần cầu thủ chúng ta xuống bóng với chỉ duy nhất thủ môn còn trong khung gỗ, đáng tiếc may mắn lại ngoảnh mặt với Đức Chinh, Tiến Linh và Văn Đức. Mặt khác, các pha xuống biên của Malaysia cũng chưa sắc sảo, bằng chứng là họ thường chỉ sử dụng bài tạt bóng thay vì phối hợp nhóm như Barcelona thật!
Tựu chung lại, 90 phút ở Bukit Jalil giúp cho 2 đội phần nào hiểu rõ về nhau hơn. Trận hòa “hú vía” trên sân nhà khiến người Mã tỉnh táo trở lại sau sự huyễn hoặc từ truyền thông trong nước, trong khi đó HLV Park Hang-seo hẳn cũng còn rất nhiều quân bài giấu trong tay áo. Tiền đạo số một Nguyễn Anh Đức vẫn là quân bài Malaysia e ngại nhất, cộng thêm Nguyễn Văn Toàn đã bình phục trở lại, hay vẫn còn đó Nguyễn Phong Hồng Duy đầy đột biến. Trận lượt về tại Mỹ Đình hứa hẹn sẽ còn kịch bản khó lường hơn nữa.